Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ là gì?
Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ là tình trạng nhân nhầy đĩa đệm cột sống cổ thoát khỏi bao xơ, từ đó gây nên bệnh lý chèn ép các rễ thần kinh hoặc tủy sống cổ.
Khu vực cột sống cổ do thường xuyên phải vận động cũng như chịu áp lực lớn nên các đĩa đệm tại đây rất dễ tổn thương và thoát vị. Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ gây nên tình trạng đau cổ gáy. Trong đó, phổ biến nhất là thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ C5 C6.
Các hình thái thoát vị đĩa đệm cột sống cổ
Hình: Các mức độ thoát vị đĩa đệm cổ: (A) thoát vị dưới dây chằng nhỏ hay lồi đĩa đệm, (B) thoát vị thực thụ, và (C) thoát vị có mảnh rời (mũi tên)
• Thoát vị đĩa đệm theo hướng ra sau giữa (trung tâm) gây chèn ép tủy hai bên
• Thoát vị đĩa đệm theo hướng cạnh giữa gây chèn ép một bên thân tủy
• Thoát vị đĩa đệm theo hướng sau ngoài gây chèn ép một bên thân tủy và rễ thần kinh
• Thoát vị đĩa đệm vào lỗ tiếp hợp gây chèn ép vào nhánh rễ thần kinh
• Thoát vị đĩa đệm sang bên gây chèn ép vào động mạch sống và dây thần kinh sống
• Thoát vị đĩa đệm ra trước không gây chèn ép vào rễ thần kinh, thân tủy và động mạch sống
Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ do những nguyên nhân nào?
Có rất nhiều nguyên nhân khiến đĩa đệm bị thoát vị. Trong đó phổ biến là các nguyên nhân như:
Tuổi tác
Đĩa đệm sẽ dễ bị thoát vị hơn do hao mòn theo thời gian. Khi còn trẻ, đĩa đệm của chúng ta có rất nhiều nước. Nhưng khi chúng ta già đi, lượng nước trong đĩa đệm giảm dần khiến đĩa đệm kém linh hoạt hơn. Điều này nghĩa là khi bạn di chuyển hoặc vặn cổ, đĩa đệm có khả năng bị rách hoặc thoát vị.
Di truyền
Di truyền cũng là một trong những yếu tố khiến bạn đối mặt với nguy cơ bị thoát vị đĩa đệm cổ. Cụ thể, nếu trong gia đình bạn có người bị thoát vị đĩa đệm cổ, bạn cũng có thể mắc bệnh.
Lối sống kém lành mạnh
Những thói quen kém lành mạnh như sử dụng thuốc lá, lười tập thể dục thường xuyên và dinh dưỡng không đầy đủ sẽ góp phần làm cho sức khỏe đĩa đệm dần kém đi. Vì thế, bạn cần tránh xa hoặc thay đổi những thói quen này.
Tư thế sai kết hợp với vận động không chính xác có thể gây thêm áp lực cho cột sống cổ. Bên cạnh đó, những người lao động bốc vác hay thường xuyên phải chịu lực nặng lên cột sống cổ cũng là đối tượng dễ mắc phải các tình trạng về đĩa đệm.
Làm thế nào để nhận biết thoát vị đĩa đệm cột sống cổ?
Lâm sàng
Hội chứng cột sống cổ
• Hạn chế vận động cột sống cổ: đau làm đầu vẹo sang một bên không quay về bên kia được do cơ bên đau bị co cứng phản xạ.
• Đau cổ gáy:
• Đau cổ gáy cấp tính: xuất hiện sau một đêm ngủ dậy do gối đầu lệch hoặc sau lao động nặng, mệt mỏi, căng thẳng, lạnh… thấy đau vùng gáy một bên lan lên cùng chẩm. Thường khỏi sau vài ngày và hay tái phát.
• Đau vùng gáy mạn tính: Đau âm ỉ khi tăng khi giảm, lan ít, khó vận động một số động tác vì đau, đôi khi thấy lạo xạo khi quay cổ. Có điểm đau cột sống cổ: ấn vào các gai sau và cạnh cột sống cổ tương ứng các rễ thần kinh có thể tìm thấy điểm đau.
Hình: Vùng lan của đau khớp facet (khớp mỏm phía sau) các cột sống cổ
Hội chứng rễ thần kinh
• Lứa tuổi thường gặp từ 50-54. Do thoái hóa hoặc thoát vị đĩa đệm chèn ép các rễ thần kinh thuộc đám rối thần kinh cánh tay, chủ yếu là rễ C6, C7.
• Đau vùng gáy âm ỉ tăng từng cơn nhất là về đêm, lan lên vùng chẩm và xuống vai và cánh tay. Biểu hiện lâm sàng là hội chứng vai-gáy, hoặc hội chứng vai-cánh tay. Thường đau sâu trong cơ, xương với cảm giác nhức nhối khó chịu, có khi đau nhói như điện giật. Đau cổ thường giảm nhanh trong khi đau vai và tay thì ngày một tăng. Đau có tính chất cơ học, đau tăng khi đứng, đi, ngồi lâu, khi ho, hắt hơi, khi vận động cột sống cổ; đau giảm khi nghỉ ngơi, khi kéo giãn cột sống cổ…
Hình: Nghiên cứu phân bố đau rễ cổ do kích thích cơ học các rễ thần kinh cổ C4 (A), C5 (B), C6 (C) và C7 (D)
Hội chứng chèn ép tuỷ cổ
Chèn ép tuỷ mức độ nhẹ: giai đoạn đầu, đĩa đệm chèn ép rễ thần kinh, nhưng sau đó đĩa đệm chèn ép cả tuỷ sống. Chèn ép tuỷ mức độ nhẹ biểu hiện bởi rối loạn vận động làm mất tính khéo léo của bàn tay trong các động tác như viết, cài cúc áo, đánh máy vi tính; hai chân cảm giác căng cứng, đi lại khó khăn; có thể thấy tăng nhẹ các phản xạ gân xương.
Chèn ép tuỷ mức độ nặng: chân tay còn vận động được nhưng đi lại rất khó hoặc không đi lại được, mất khả năng tự phục vụ cá nhân, các phản xạ gân xương tăng rõ. Mức độ rất nặng gây liệt hoàn toàn tứ chi.
Cần đánh giá khả năng chèn ép tủy cổ trước các bệnh nhân đau cổ vai bằng các phản xạ bất thường như Hoffman, Babinski.
Cận lâm sàng
Chụp X quang cổ thường quy
• Hình ảnh X quang trên phim chụp cổ thấy gai xương, mỏ xương ở các đốt sống
• Khi thoát vị đĩa đệm có thể thấy: mất ưỡn cong sinh lý, gai xương trước sau, hẹp khe liên đốt, trượt đốt sống, hẹp ống sống, hẹp lỗ ghép do gai xương.
Chụp cộng hưởng từ (MRI)
• Phát hiện các bất thường của đĩa đệm (thoái hóa, thoát vị), dây chằng (phì đại, cốt hóa), chèn ép rễ thần kinh và tủy sống
Chụp CT cột sống cổ
• Phát hiện rõ hơn những bất thường của xương như gai xương, thoái hóa, hẹp ống sống và lỗ gian sống…
Hình: Cộng hưởng từ cắt ngang (A) và đứng dọc (B) cho thấy
Biến chứng nguy hiểm có thể gặp
Bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động xoay cổ, đầu kém linh hoạt. Tình trạng đau cánh tay do thoát vị đĩa đệm cổ thường được kiểm soát bằng thuốc và điều trị bảo tồn, không phẫu thuật. Tuy nhiên, nếu bỏ qua giai đoạn vàng lúc khởi phát, người bệnh sẽ phải đối mặt với biến chứng nguy hiểm như:
Tàn phế suốt đời
Bệnh nhân có thể bị tàn phế suốt đời do bị liệt trong trường hợp thoát vị đĩa đệm chèn ép tủy sống cổ.
Hẹp ống sống
Biến chứng hẹp ống sống do thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ gây ra các triệu chứng từ nhẹ đến nặng như đau đốt sống cổ trầm trọng, đau hoặc tê ở vai, bả vai, cánh tay, đôi khi gây yếu cơ. Các triệu chứng tương tự như đau thần kinh tọa. Cơn đau sẽ giảm nếu vùng cổ vai gây của người bệnh được giảm áp lực như khi nằm, cúi gập thả lỏng người, tuy nhiên triệu chứng đau sẽ trở lại nếu duy trì tư thế lưng thẳng.
Thiếu máu não, thiểu năng tuần hoàn não
Khi đĩa đệm thoát ra khỏi vị trí bình thường sẽ chèn ép lên hệ thống động mạch đốt sống thân nên gây ra thiếu máu cho não.
Chèn ép rối thần kinh cánh tay
Do các rễ thần kinh này xuất phát từ tuỷ cổ đi qua lỗ liên hợp, nên khi đĩa đệm lệch khỏi vị trí gây chèn ép lên tuỷ sống hoặc chèn lên các lỗ liên hợp thì dẫn đến chèn ép các dây thần kinh ở đây. Từ biểu hiện đau mỏi vai gáy, co cơ sẽ lan truyền xuống một hoặc cả hai bên cánh tay, đau kèm theo tê bì hoặc teo cơ cánh tay.
Hội chứng chèn ép tuỷ
Thường có những biểu hiện rối loạn vận động, rối loạn cảm giác khi đốt sống cổ chỉ mới gặp tình trạng đau nhẹ hoặc không đau.
Hội chứng rối loạn thần kinh thực vật
Biểu hiện rõ thấy nhất của hội chứng này là chóng mặt, ù tai, mất thăng bằng; đôi khi đau ở phần hốc mắt, cảm giác mắt mờ từng cơn; đỏ mặt đột ngột, vã mồ hôi; hạ huyết áp, tăng nhu động ruột, đau ngực từng cơn, thực quản bị chèn ép gây khó nuốt.
Đau lan rộng
Những cơn đau nặng có thể lan dọc cột sống xuống toàn bộ lưng, rồi đến mông, đùi và cẳng chân khiến những bộ phận này trở nên yếu là kém linh hoạt hơn.
Nếu không điều trị kịp thời và dứt điểm, người bệnh sẽ gặp những biến chứng khôn lường về sau. Việc khám, điều trị nên tiến hành ở những bệnh viện uy tín.
Vật lý trị liệu thoát vị đĩa đệm cột sống cổ
Cần xác định rõ nguyên nhân để làm giảm nhẹ, phòng ngừa nặng thêm hoặc can thiệp nếu được
Mục đích chung: giảm đau, tăng cường cơ lực, phòng ngừa tổn thương tủy, cải thiện hoạt động chức năng, dự phòng tái phát.
Giáo dục bệnh nhân, thay đổi hoạt động:
• Giải thích tầm quan trọng của tư thế đúng, sinh cơ học, tránh mang vác nặng và lập lại, cũng như các động tác duỗi, xoay và nghiêng cổ cùng bên đau.
Điều trị triệu chứng (đau)
• Thuốc giảm đau chống viêm.
• Nhiệt: dùng nhiệt nông lên vùng cổ gáy 30 phút 2-3 lần/ngày, không nên dùng nhiệt sâu ở cùng cổ gáy vì dễ làm kích thích hành tủy gây đau đầu…
• Điện xung trị liệu: có thể dùng dòng TENS, giao thoa, dòng Nga…Dòng TENS (tần số cao, cường độ thấp) được cho là đã kích thích tủy sống tiết ra endorphin (morphin nội sinh).
Ứng dụng: để giảm đau, giảm co thắt cơ, tăng tuần hoàn, chọn các dòng điện xung có tính chất ức chế. Để kích thích co cơ (cơ bại, liệt, rèn luyện cơ) phục hồi thần kinh, chọn dòng xung có tác dụng hưng phấn.
Chống viêm: dòng điện xung có tác dụng chống viêm dựa trên cơ sở tăng cường tuần hoàn, chuyển hóa, giảm phù nề, tăng cường miễn dịch dịch thể và tế bào, giảm các chất gây viêm, chỉ áp dụng với viêm không do nhiễm khuẩn.
• Sóng siêu âm trị liệu:
Siêu âm được sử dụng trong điều trị có công suất từ 0,1 – 3W/cm2. Khi tác động lên tổ chức, chúng gây ra ba hiệu ứng: hiệu ứng cơ học, hiệu ứng hóa học và hiệu ứng nhiệt. Từ các hiệu ứng cơ bản trên, siêu âm có các tác dụng sau:
+ Tăng tuần hoàn máu cục bộ do tăng nhiệt độ, tăng tính thấm của mạch máu và tổ chức.
+ Giãn cơ do kích thích trực tiếp của siêu âm lên các cảm thụ thần kinh.
+ Tăng tính thấm của màng tế bào, tăng tính khuếch tán và thẩm thấu qua màng do tăng giao động của các phần tử và biến đổi áp suất luân phiên giữa các vùng tổ chức. Do đó siêu âm có tác dụng làm tăng hấp thu dịch nề, tăng trao đổi chất, tăng dinh dưỡng và tái sinh tổ chức.
+ Giảm đau do tác dụng trực tiếp lên cảm thụ thần kinh.
• Nẹp cổ mềm có thể được sử dụng trong giai đoạn cấp để giảm tầm vận động gập duỗi cổ (khoảng 26%), làm giảm đau. Sử dụng nẹp cổ mềm chỉ nên giới hạn trong trong 1-2 tuần đầu để tránh sự suy yếu mô mềm do bất động kéo dài.
Hình: Nẹp cổ mềm giúp hạn chế vận động cổ quá mức gây đau.
Di động cột sống cổ:
• Được thực hiện bởi các chuyên gia, có tác dụng trong trường hợp hạn chế vận động cột sống, chèn ép rễ thần kinh.
Tác dụng giãn cơ.
Trị đau.
Làm tăng lưu thông tuần hoàn máu.
Kéo giãn bao khớp.
Tạo chất nhờn giữa các khớp đốt sống.
Tạo thuận cho đĩa đệm không chèn ép thần kinh.
Gia tăng tầm vận động của cột sống.
Kéo giãn cột sống cổ:
• Mục đích làm rộng các khe khớp, các lỗ ghép giảm chèn ép các rễ thần kinh; giãn cơ làm giảm co cứng cơ; giảm đau, điều chỉnh thoát vị đĩa đệm.
• Thông thường, có thể chọn lực kéo lần đầu khoảng 7-8 kg, rồi tăng dần mỗi lần 1kg cho đến khi đạt khoảng 20% thể trọng thì duy trì lực này cho đến hết đợt. Đối với tư thế ngồi lực kéo phải cao hơn để thắng được trọng lượng của đầu.
• Kéo ở tư thế gập cổ (20-25 độ), thời gian một lần kéo 10-15 phút, mỗi đợt 15-20 ngày.
Hình: Bệnh nhân đang kéo giãn cột sống cổ bằng máy công nghệ cao của Mỹ
Tập luyện tại nhà
• Làm vững cột sống cổ ngực và phục hồi chức năng sinh cơ học cột sống, được sử dụng để giới hạn đau, gia tăng chức năng và phòng ngừa tiến triển chấn thương và tái phát.
• Chương trình bao gồm phục hồi độ mềm dẻo cột sống, giáo dục tư thế, tập mạnh cơ. Tầm vận động bình thường và tư thế tốt rất quan trọng để phòng ngừa vi chấn thương lập lại lên các cấu trúc ở cổ do các mẫu vận động kém.
• Cần hướng dẫn bệnh nhân kiểm soát vận động suốt chuỗi động.
• Chương trình làm vững bắt đầu bằng thiết lập tầm vận động cổ không đau, sau đó dần dần thêm vận động ngoài tầm này khi triệu chứng giảm cho đến khi đạt tầm vận động bình thường. Phục hồi sinh cơ học cổ thích hợp bằng tầm vận động thụ động, vận động cột sống và mô mềm, tự kéo dãn, điều chỉnh tư thế. Cải thiện kiểm soát thần kinh cơ từ các tư thế tĩnh, sau đó sang các hoạt động động và chức năng.
• Các bài tập làm mạnh cổ bắt đầu bằng tập đẳng trường các cơ gấp, duỗi, xoay, nghiêng ở các tư thế nằm rồi ngồi, đứng.
• Tiến triển bài tập sang co cơ đồng tâm, tránh các vận động phối hợp. Các cơ bị kéo dãn hoặc yếu do tư thế kém là mục tiêu trong giai đoạn này.
• Một trong những mục tiêu của chương trình tập luyện là cải thiện sự cân bằng cơ và mềm dẻo của các nhóm cơ đầu và cổ-ngực. Cũng chú ý đến tập các cơ đai vai và chi trên. Đau thần kinh cổ cao hoặc giữa kèm yếu cơ có thể làm mất vững khớp ổ chảo- cánh tay và bả vai- lồng ngực do đó cần tập mạnh các cơ thang, răng trước, trám, cơ chụp xoay.
Hình: Một số các bài tập làm mạnh cơ cổ
Đề phòng y học
• Không làm việc quá lâu tại bàn giấy, đặc biệt là với máy vi tính, cứ mỗi 30 phút nên dừng lại để thực hiện các động tác vận động cột sống cổ, vai và tay.
• Giữ ấm vùng cổ vai khi trời lạnh, khi đi xe máy, khi ngủ…
• Tập luyện các môn thể thao nhẹ nhàng, tránh tác động mạnh lên vai tay.
• Tập tầm vận động và mạnh cơ cột sống cổ thường xuyên
Điều trị phẫu thuật.
Chỉ định tuyệt đối:
• Thoát vị đĩa đệm cấp tính do chấn thương.
• Bệnh lý cột sống cổ (thoát vị, thoái hóa) gây yếu hoặc liệt do chèn ép thần kinh
• Bệnh lý cột sống cổ có hội chứng giao cảm cổ sau mức độ nặng mà trên phim chụp động mạch phát hiện gai xương chèn ép động mạch đốt sống.
Chỉ định tương đối:
• Thoát vị đĩa đệm gây đau nhiều có tính chất cố định mà điều trị nội khoa không có kết quả.
• Thoát vị đĩa đệm mất vững cột sống do thoái hoá đĩa đệm gây nên.
Các phương pháp phẫu thuật.
• Các phương pháp can thiệp tối thiểu: Laser qua da, sóng radio…
• Cắt bỏ đĩa đệm không có hàn xương.
• Cắt bỏ đĩa đệm có hàn xương.
• Cắt bỏ đĩa đệm bằng đường vào lối sau
Bác sĩ: Nguyễn Phi
Phòng khám Vật lý trị liệu – Phục hồi chức năng Song Đức tại Mỹ Tho, Tiền Giang
Có thể bạn quan tâm
Điều trị bệnh đau khớp ở người đái tháo đường
Đái tháo đường là một bệnh hệ thống không chỉ gây ra nhiều vấn đề...
Vật lý trị liệu bệnh hẹp ống sống
Hẹp ống sống là gì ? Hẹp cột sống là tình trạng xảy ra khi...
Vật lý trị liệu bệnh viêm khớp dạng thấp
Bệnh viêm khớp dạng thấp là gì? Viêm khớp dạng thấp (RA) là một bệnh...
Vật lý trị liệu đau cột sống ngực
Cột sống ngực là phần giữa của cột sống, nằm giữa cột sống cổ (cổ)...
Vật lý trị liệu thoái hóa khớp gối
Tổng quan thoái hóa khớp gối Thoái hóa khớp gối là một tình trạng mãn...
Vật lý trị liệu bệnh cơ xương khớp
Bệnh cơ xương khớp là gì? Bệnh cơ xương khớp là tình trạng suy yếu chức...
Vật lý trị liệu chấn thương thể thao
Vật lý trị liệu và Phục hồi chức năng tại Phòng khám bao gồm: Siêu...
Bài tập dành cho bệnh nhân bị đau gót chân
BÀI TẬP DÀNH CHO BỆNH NHÂN BỊ VIÊM CÂN GAN CHÂN (ĐAU GÓT CHÂN) Bệnh...